Quần thể Khánh tích Khúc Thuỷ


  Khúc Thủy (Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) là vùng đất huyền thoại và thấm đượm các truyền thuyết. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các di tích và nhất là các ngôi chùa ven sông gắn liền với các diễn biến thịnh suy của các triều đại và đời sống văn hoá tâm linh của cư dân làng xã bản địa. Từ trong lịch sử, đây là vùng đất tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) bao gồm ba chùa (Linh Quang,Phúc Đống và Dâu) một Đình, một Miếu là nơi trụ xứ tu hành của các bậc danh Tăng thời Lý, Trần và cũng là nơi hun đúc nên các bậc danh tướng kỳ tài cho dân tộc (Khuông Việt đại sư, Vạn Hạnh Quốc Sư, Đạo Huyền Quốc Sư..., Hưng Đạo Đại Vương, Linh Thông Hoà Thượng Đại Vương...).

  Quần thể Thánh tích Khúc Thuỷ cách trung tâm Hà Nội 15 km về phía nam, giáp khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, bao gồm hệ thống Đình, Chùa, Miếu đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cấm vi phạm (Quyết định công nhận số 457 VHQĐ – ngày 25/3/1991).Chùa Thắng Nghiêm-ngôi cổ tự được xây dựng từ rất sớm bởi các nhà truyền giáo Ấn Độ trong thời kỳ Ngô Sỹ Nhiếp làm Thái Thú xứ Giao Châu, sau đó được các triều đại vua chúa thời phong kiến (Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Triều Nguyễn) nhiều lần trùng tu tôn tạo.Trong thời kỳ Ngô Sỹ Nhiếp làm Thái Thú xứ Giao Châu (187 – 266) thường gọi là chùa Vua (Pháp Vương tự).Chùa Thắng Nghiêm xưa kia và chùa Phúc Đống nay đã từng mang nhiều tên gọi gắn với nhiều sự kiện trong lịch sử phát triển của đất nước như: Chùa Vua, Chùa Bà Chúa Hến, Chùa Thắng Nghiêm, Chùa Trì Long, Chùa Trì Bồng, Chùa Liên Trì, Phật Quang Đại Tùng Lâm… thường được gọi theo tên địa danh chung là Chùa Khúc Thủy. 

 Theo truyền thuyết, Đinh Tiên Hoàng trong một lần đi tuần thú, dừng chân ở Khúc Thuỷ, ông gặp và cưới một người thôn nữ bên kia sông làm nghề kéo hến về làm phi. Thấy phong cảnh hữu tình, thế đất lại có Long chầu Phượng vũ, Lân, Ly hội tụ ông đã lập dinh tại đất này và cho dựng lại chùa để sớm tối bái Phật nên chùa còn có tên nôm gọi là chùa Bà Chúa Hến.Tương truyền sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La, Ngài nhớ lại giấc mộng năm xưa có liên quan đến việc dời đô, để tạ ơn Phật, Ngài cho khởi giá thuyền Rồng từ sông Kim Ngưu qua sông Tô Lịch, xuôi theo dòng Nhuệ Giang, thẳng tới Hương Sơn lễ tạ Phật Hương Tích. Khi qua địa phận Nhuệ Giang, Ngài thấy ẩn hiện một ngôi cổ tự trang nghiêm tú lệ, liền cho dừng thuyền vào lễ Phật. Cảnh trí nơi này trang nghiêm thơ mộng thế đất lại có Long chầu Phượng vũ, nhà Vua nói: “Nơi đây thật xứng là một thắng cảnh trang nghiêm, đúng là bầu trời cảnh Phật vậy” và đặt mỹ hiệu nơi đây là Trang Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, Trấn Nam Thượng, lập nơi đây làm “Mộc Ấp Thang” (Ấp của Vua). Sau này nhà vua thường lui tới lễ Phật vãng cảnh. Chùa trở thành nơi Lễ Phật, ngoạn cảnh của vua quan thời đó:

“Khúc Thuỷ lưu truyền kim cổ xưng danh đồng tuế nguyệt

Thắng Nghiêm tự tại trang nghiêm tịnh cảnh tức Như Lai”

Vào thời Trần, chùa Thắng Nghiêm đổi hiệu thành chùa Trì Long, Trì Bồng, Liên trì, Phúc Đống, Phật Quang Đại Tùng Lâm. Sau này, nơi các Ngài dừng thuyền được gọi là Bến Rồng hay còn được gọi là bến Ao Thuyền, nơi các Ngài ngự giá nghỉ ngơi trước khi vào Lễ Phật được gọi là Dinh Vua. Để tưởng nhớ công đức của các Ngài, nhân dân Khúc Thủy lập Đình phụng thờ.

Sử cũ còn ghi:Thắng Nghiêm tự- là nơi danh tướng Trần Hưng Đạo sinh sống khi còn nhỏ tuổi. Khi đó, chùa do Thiền Sư họ Lý pháp hiệu Đạo Huyền trụ trì. Đạo Huyền là vị danh tăng tinh thông Tam Tạng, giới đức trang nghiêm, uy tín vào bậc nhất đương thời đã nhận nuôi dưỡng, giáo huấn Quốc Tuấn khi đó chừng 7 tuổi. Ngày qua tháng lại, Thiền sư đã truyền dạy cho Tam Tạng Thánh Điển, pháp thuật bí truyền....; với trí tuệ siêu phàm, chẳng bao lâu Trần Quốc Tuấn đã tinh thông giáo pháp, văn võ kỳ tài không ai có thể sánh kịp. Sau này khi Ngài hoá, nhân dân thờ Ngài như một vị Thánh và Ngài nhiều lần hiển linh ở làng Khúc Thủy.Cuối thời Trần có một vị Thiền Sư tên là Trần Thông (con của danh Tướng Trần Khát Chân) trụ tại gặp được mộng lành với Đức thánh Trần Hưng Đạo và nghe lời khuyên tạm cởi áo cà sa, khoác chiến bào tuyển dân binh trong vùng cùng ngài ra trận giúp sức cho vua Trần Nghệ Tông. Sau khi thắng trận được phong tướng, nhưng ngài từ chối lại xin về chùa Khúc Thủy tu hành.

Khúc Thuỷ được phong là: Ấp thang mộc cùng tám chữ vàng: Khúc Thuỷ Nghĩa Dân Mỹ Tục Khả Phong. Đến thời Lê nhân dân hai thôn Khúc Thuỷ Khê Tang lại được nhà Vua phong bốn chữ: Mỹ Tự Huệ Dân. Điều đặc biệt hiếm có trên đời là Ngài vốn là một vị Tăng sau Làm Tướng rồi lại trở về làm Tăng vậy mà sau khi hoá được nhân dân thờ cúng ở cả Đình, Đền, Chùa như một vị Thành Hoàng Làng. Các sắc phong còn lại đến ngay nay sớm nhất từ năm Hồng Phúc 1 (1572) và muộn nhất là năm Thành Thái thứ nhất (1889) ghi nhận công lao và sự linh ứng của Ngài.Đình Khúc Thuỷ được xây dựng trên thế đất Thần Ly chầu Ngọc là nơi thờ phụng nhị vị Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương và Linh Thông Hoà Thượng Đại Vương). Chùa Dâu và Miếu được xây dựng trên thế đất Long chầu Phượng vũ cũng là nơi thờ tự nhị vị Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương và Linh Thông Hoà Thượng Đại Vương). 

Hiện nay nhà chùa cùng nhân dân, tín đồ Phật tử, chính quyền các cấp đã quy hoạch và phát triển khu di tích như: tu sửa ngôi Bảo Điện, Tổ Đường, vườn Lâm Tì Ni và làm 100 pho tượng Phật nhân kỷ niệm 1000 năm Đức Lý Thái Tổ xuống chiếu dựng lại chùa Thắng Nghiêm (năm 1010). Các hạng mục khác cũng có trong kế hoạch trùng tu: xây hai dãy nhà ngang, gác chuông, gác trống, khu giảng đường, khu tăng xá, khu vườn tháp tăng ni, đại Bảo Tháp, đúc hai quả chuông nhân kỷ niệm 1000 năm Đức Lý Thái Tổ xuống chiếu đúc chuông chùa Thắng Nghiêm (năm 1014)./.

Một số hình ảnh về Thắng Nghiêm Quốc Tự

 Clip giới thiệu đi tích quần thể Khánh tích Khúc Thuỷ :

https://www.facebook.com/thangnghiemquoctu/videos/1897885883606356/


Trích bài viết của tác giả : Vũ Trùng Dương